-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Vai trò của IgE toàn phần huyết thanh (tIgE) trong sàng lọc bệnh dị ứng
Đăng bởi: Quản Trị
19/05/2020
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật – Hội Hóa sinh Y học Việt Nam, Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Ở tuổi 72, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật vẫn vững bước tiến lên trong sự nghiệp Y tế, vừa là Thầy thuốc, vừa là Thầy giáo, Nhà Nghiên cứu Khoa học được nhiều người yêu mến và quý trọng. Những bài báo cáo khoa học và công trình nghiên cứu Khoa học của thầy đã mang đến những tri thức cho đông đảo các bác sĩ trên mọi miền đất nước.
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Hội Hóa sinh Y học Việt Nam
Với PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, khoa học phải gắn liền với thực tiễn, phải được ứng dụng trong đời sống chứ không chỉ là trên sách vở vì vậy các đề tài nghiên cứu của thầy cũng mang tính ứng dụng cao. Qua quá trình nghiên cứu miệt mài không ngừng nghỉ PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật đã nghiên cứu ra “Vai trò của IgE toàn phần huyết thanh (tIgE) trong sàng lọc bệnh dị ứng” . Dưới đây là bài nghiên cứu của giáo sư :
1) Immunoglobulin E (IgE) là một kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch cơ thể trong một phản ứng quá mẫn loại I với một chất gây dị ứng, như trong các bệnh dị ứng, như hen, và ở mức độ thấp hơn là đáp ứng miễn dịch với ký sinh trùng. IgE liên kết với các thụ thể có ái lực cao trên các dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm, gây ra các phản ứng dị ứng.
2) Xét nghiệm IgE toàn phần (tIgE) đo tổng lượng immunoglobulin E trong máu, có thể được sử dụng để sàng lọc và phát hiện các bệnh dị ứng. Nó cũng có thể được sử dụng một mình, trước đó, hoặc cùng với các xét nghiệm IgE đặc hiệu dị nguyên, tùy thuộc vào việc một người có xác định được các chất tiềm năng mà người đó có thể bị dị ứng hay không, và đôi khi được sử dụng để sàng lọc nếu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng.
3) Xét nghiệm IgE toàn phần có thể được chỉ định khi một người có các triệu chứng định kỳ hoặc kéo dài có thể là do phản ứng dị ứng, đặc biệt là khi không biết dị nguyên tiềm năng. Đôi khi một IgE có thể được chỉ định để sàng lọc khi một người bị tiêu chảy kéo dài có thể là do nhiễm ký sinh trùng.
4) Giá trị tham chiếu của tIgE phụ thuộc vào độ tuổi của cá nhân, phạm vi từ 0 đến 4 kU/L ở trẻ sơ sinh và 0 đến 144 kU/L ở trẻ lớn hoặc người lớn. Một số yếu tố như di truyền, chủng tộc, hút thuốc, uống rượu, yếu tố miễn dịch, tình trạng miễn dịch, có thể ảnh hưởng đến mức độ IgE, nhưng mức độ IgE của hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh đều ở trong khoảng 2-150 kU/L.
5) Các kết quả xét nghiệm tIgE nên được diễn giải trong điều kiện cụ thể của bệnh nhân.
- Sự tăng mức độ tIgE có thể xảy ra trong các tình trạng dị ứng (bệnh chàm, hen suyễn và sốt Hay, dị ứng thực phẩm), nhiễm ký sinh trùng, các bệnh hiếm gặp (hội chứng IgE tăng, hội chứng Job, đa u nguyên bào tăng IgE), di truyền và các yếu tố khác về lối sống (hút thuốc, uống rượu, nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, u lympho, hội chứng thận hư).
- Sự giảm mức độ tIgE có thể xảy ra khi thiếu hụt IgE đặc hiệu, suy giảm miễn dịch thông thường, mất điều hòa telangiectasia, nhiễm khuẩn (nhiễm H. pylori), viêm (viêm, loét dạ dày), đục thủy tinh thể hoặc ung thư.
- IgE toàn phần có thể đóng một vai trò quan trọng trong sàng lọc bệnh dị ứng trong khi sIgE có thể được sử dụng làm bằng chứng quan trọng để chẩn đoán dị ứng; mức độ thấp hơn của tIgE và tỷ lệ sIgE/tIgE cao hơn có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của trị liệu miễn dịch dị nguyên ở bệnh nhân dị ứng.
Cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh dị ứng liên quan đến globulin miễn dịch E (immunoglobulin E: IgE) hay còn gọi là kháng thể dị ứng (allergic antibody). Bài viết này giới thiệu tổng quan cấu trúc, tổng hợp, chức năng và cơ chế gây dị ứng của IgE. Bài viết cũng giới thiệu về cách sử dụng, chỉ định, giá trị tham chiếu của xét nghiệm tIgE huyết thanh (total IgE test) và ý nghĩa lâm sàng của nó.
1. Sinh học của IgE
1.1. Cấu trúc phân tử của IgE
Globulin miễn dịch E (IgE) là một loại kháng thể chỉ có ở động vật có vú và là một trong năm isotypes globulin miễn dịch của người là IgG, IgA, IgM, IgD và IgE. Tất cả các globulin miễn dịch đều gồm hai chuỗi nhẹ và hai chuỗi nặng gần giống nhau. Các chuỗi nặng khác biệt các isotypes globulin miễn dịch khác nhau. Chuỗi nặng trong IgE là epsilon (ε). IgE là một monomer và bao gồm bốn vùng liên tục, tương phản với globulin miễn dịch khác chỉ chứa ba vùng không đổi. Do có thêm vùng này, khối lượng phân tử của IgE là 190 kDa so với 150 kDa của IgG (Sutton BJ, 2019 [9]). Cấu trúc phân tử của IgE được thể hiện ở Hình 1.
Hình 1. Cấu trúc phân tử của IgE (Aryal S, 2020 [1])
1.2. Sự tổng hợp IgE
Kháng thể IgE được tổng hợp bởi các tương bào (plasma cells). Những tế bào này được lập trình để tổng hợp ra immunoglobulin M (IgM), sau đó trải qua "sự chuyển đổi isotype" (isotype-switching) để sản xuất ra immunoglobulin E (IgE) tương ứng với các đặc tính kháng nguyên trong những điều kiện cụ thể. Quá trình này đòi hỏi những tương tác trên bề mặt tế bào giữa các tế bào lympho B và lympho T, cũng như các yếu tố hòa tan từ các loại tế bào khác nhau. Trong quá trình chuyển đổi isotype, DNA bộ gen của tương bào được cắt (spliced) và ghép (rejoined) trong quá trình tái tổ hợp chuyển đổi lớp từ lớp IgM thành lớp IgE.
1.3. Chức năng của IgE
IgE có các chức năng sau:
1) IgE có vai trò quan trọng trong bệnh sinh của các bệnh dị ứng, đặc biệt là trong sự hoạt hóa các dưỡng bào, bạch cầu ái kiềm và trong sự trình diện kháng nguyên.
2) IgE cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là những bệnh gây ra bởi giun và một số động vật nguyên sinh. Tuy nhiên, một phần do sự dư thừa của hệ thống miễn dịch, các mức độ thấp hoặc vắng mặt của IgE có thể làm cho những người này không dễ bị nhiễm các bệnh ký sinh trùng nặng.
3) Mặc dù còn chưa được hoàn toàn sáng tỏ, IgE còn có thể đóng một vai trò trong hệ thống miễn dịch của bệnh ung thư, trong đó IgE có khả năng kích thích một phản ứng độc tế bào mạnh để chống lại các tế bào thể hiện một lượng nhỏ các dấu ấn ung thư sớm.
4) IgE không có vai trò rõ rệt trong việc bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vì nó không kích hoạt bổ thể hoặc tham gia vào sự opsonin hóa (opsonization).
1.4. Cơ chế phản ứng quá mẫn loại 1 trung gian bởi IgE.
Nguyên nhân của phần lớn các bệnh dị ứng thường gặp như hen dị ứng, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng và dị ứng thực phẩm, là do phản ứng quá mẫn loại I (type-I hypersensitivity reaction) qua trung gian IgE. Quá trình phản ứng quá mẫn qua trung gian IgE loại I trải qua 2 giai đoạn:
1) Khi cơ thể phơi nhiễm lần 1 với các dị nguyên (allergens), các dị nguyên này sẽ trình diện các tế bào trình diện kháng nguyên (antigen-presenting cells), kích hoạt các tế bào T giúp đỡ Th (T-helper cells), các tế bào B sẽ nhận diện dị nguyên, kích hoạt các tương bào tiết ra các kháng thể IgE, các IgE đến gắn vào các dưỡng bào và các bạch cầu ái kiềm;
2) Khi cơ thể bị phơi nhiễm lại với cùng dị nguyên ấy, các dị nguyên này sẽ gắn vào các kháng nguyên IgE đặc hiệu trên bề mặt các dưỡng bào và các bạch cầu ái kiềm, kích hoạt các tế bào này tiết ra các chất trung gian (mediators) như histamine, heparin, leukotriene, các prostaglandin, … (Aung T, 2019 [2]). Các chất trung gian này sẽ gây nên các phản ứng miễn dịch loại 1. Quá trình phản ứng quá mẫn qua trung gian IgE loại 1 được thể hiện ở Hình 2.
Hình 2. Cơ chế phản ứng quá mẫn loại I qua trung gian globulin miễn dịch E (IgE). APC (antigen-presenting cell): tế bào trình diện kháng nguyên; Th (T-helper cell): tế bào T giúp đỡ; mast cells: các dưỡng bào; basophils: các bạch cầu ái kiềm. Nguồn: Karki G, Microbiologist Kathmandu, via Online Biology Notes.
2. Sử dụng của xét nghiệm tIgE huyết thanh
Xét nghiệm tIgE có thể được sử dụng để sàng lọc và phát hiện các bệnh dị ứng. Nó cũng có thể được sử dụng trước, hoặc cùng với các xét nghiệm IgE đặc hiệu dị nguyên (allergen-specific IgE: sIgE), để xác định các dị nguyên tiềm năng có thể gây dị ứng.
IgE toàn phần có thể tăng lên khi bị nhiễm ký sinh trùng, do đó xét nghiệm tIgE đôi khi được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc nếu nghi ngờ có nhiễm ký sinh trùng.
3. Chỉ định của xét nghiệm tIgE huyết thanh
Một xét nghiệm tIgE có thể được chỉ định khi một người có các triệu chứng định kỳ hoặc kéo dài có thể là do phản ứng dị ứng, đặc biệt là khi không biết về khả năng bị dị ứng. Các triệu chứng dị ứng có thể bao gồm những triệu chứng gợi ý liên quan đến da, hô hấp và hoặc tiêu hóa, chẳng hạn như ngứa định kỳ hoặc dai dẳng, phát ban, ngứa mắt, chàm, buồn nôn, nôn, tiêu chảy kéo dài, hắt hơi, ho, nghẹt mũi, khó thở, hen suyễn (Aung T, 2019 [2]).
Để xác định các dị nguyên cụ thể, cần chỉ định thêm các xét nghiệm IgE đặc hiệu dị nguyên (allergen-specific IgE: sIgE). Xét nghiệm sIgE có khả năng phát hiện hàng chục dị nguyên hoặc các chất tương tự, như cây cỏ, phấn hoa, nấm mốc, lông vật nuôi, thuốc hoặc các loại thực phẩm khác nhau.
Xét nghiệm tIgE cũng có thể được chỉ định để sàng lọc khi một người bị tiêu chảy kéo dài có thể do nhiễm ký sinh trùng. Ngoài ra, xét nghiệm tổng phân tích máu (CBC) có thể được chỉ định thêm để xác định xem số lượng bạch cầu ái toan có tăng hay không.
Xét nghiệm tIgE còn có thể được chỉ định để giúp chẩn đoán một bệnh di truyền rất hiếm gặp như hội chứng di truyền tăng IgE (hyperimmunoglobulin E syndrome hoặc Job’s syndrome). Xét nghiệm phân tử cũng có thể được chỉ định thêm để phát hiện các đột biến ở gen STAT3 có liên quan đến rối loạn này.
Đôi khi, xét nghiệm IgE định lượng có thể được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi đa u tủy sản xuất kháng thể IgE đơn dòng.
4. Giá trị tham chiếu của tIgE huyết thanh
Nồng độ IgE toàn phần huyết thanh được thể hiện bằng kilo đơn vị/L (kU/L).
Về tuổi, giới hạn tham chiếu của tIgE phụ thuộc vào tuổi, từ 0-4 kU/L ở trẻ mới sinh và từ 0 đến 148 kU/L ở trẻ lớn hơn hoặc ở người lớn. Trẻ từ 12-14 tuổi có nồng độ tIgE cao nhất. Sau 70 tuổi, nồng độ tIgE có thể giảm nhẹ. Giá trị tham chiếu chung của tIgE là 0-99 kU/L.
Về giới, nam thường có giá trị IgE cao hơn nữ, sự chênh lệch có thể lên tới 20 kU/L.
Ngoài ra, do nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến mức độ IgE như di truyền, chủng tộc, hút thuốc lá, uống rượu, yếu tố môi trường, tình trạng miễn dịch, hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh có tIgE nằm trong khoảng 2-150 kU/L.
Nồng độ tIgE huyết thanh có thể được đo bằng một số phương pháp như hấp phụ dị nguyên phóng xạ (radioallergosorbent test: RAST), hấp phụ miễn dịch gắn enzym (enzyme-linked immunosorbent assays: ELISAs), miễn dịch enzym huỳnh quang (fluorescent enzyme immunoassays: FEIAs), hoặc miễn dịch hóa phát quang (chemiluminescent immunoassays: CLIAs). Nồng độ của tIgE huyết thanh đo theo phương pháp Miễn dịch điện hóa phát quang (ECLIA) trên máy xét nghiệm miễn dịch Elecsys và Cobas e, được chỉ ra ở Bảng 1.
Bảng 1. Giá trị tham chiếu của nồng độ IgE huyết thanh (Martins TB, 2014 [7])
Ghi chú: kU/L = U/mL; 1 kU/L = 2,4 ng/mL. Các giá trị ngưỡng này có thể thay đổi theo từng phòng xét nghiệm.
5. Ý nghĩa lâm sàng của tIgE huyết thanh
5.1. Nồng độ tIgE huyết thanh tăng:
Nồng độ tIgE huyết thanh tăng không phải là chẩn đoán của bất kỳ tình trạng dị ứng nào vì nồng độ tIgE cũng có thể tăng trong nhiều bệnh viêm và nhiễm khuẩn. Nồng độ tIgE huyết thanh tăng có thể gợi ý về dị ứng hoặc ký sinh trùng, nhưng tIgE bình thường cũng không loại trừ các bệnh lý này. Giá trị cắt (cut-off) của nồng độ tIgE huyết thanh để chẩn đoán bệnh dị ứng là >150 kU/L, trẻ em và phụ nữ thường có giá trị cắt thấp hơn. Nồng độ tIgE huyết thanh có thể tăng trong các bệnh lý sau:
1) Bệnh dị ứng: Dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất của tăng tIgE. Đối với một số người, các yếu tố kích hoạt có thể là chế độ ăn (dị ứng thực phẩm) và đối với những người khác, là dị ứng theo mùa (dị ứng phấn hoa, lạnh ẩm, …). Nồng độ tIgE >200 kU/L thường cho thấy có hoặc tăng nguy cơ dị ứng (Yazdi P, 2020 [11]). Theo một nghiên cứu trên 8.000 người, tIgE >100 kU/L làm tăng khả năng dị ứng, trong khi ở trẻ em, giá trị cắt của tIgE là 77,7 kU/L.
- Viêm da dị ứng hoặc chàm: viêm da dị ứng hoặc chàm thường gây ra mức tIgE cao nhất.
- Hen suyễn: trong một nghiên cứu ở hơn 1.000 người, giá trị trung bình của tIgE ở người không dị ứng là 43,7 kU/L, ở người dị ứng tiềm tàng là 213,8 kU/L và ở người hen suyễn là 626,6 kU/L.
- Sốt Hay: ở người bị sốt Hay mạn tính, nồng độ tIgE trung bình là 378 kU/L.
- Dị ứng thực phẩm: sự tiếp xúc với các dị nguyên thực phẩm chỉ gây tăng tIgE trong một thời gian ngắn. Thực phẩm đã chế biến chứa các dị nguyên có thể gây tăng nồng độ tIgE gấp 3-8 lần so với các dị nguyên trong thực phẩm thô.
Trong một nghiên cứu trên 1.321 trẻ em Châu Á, độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính (PPV), giá trị dự đoán âm tính (NPV) của tIgE ở các giá trị cắt 77,7 kU/L và 100 kU/L đối với một số bệnh dị ứng, được thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2. Độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính, giá trị dự đoán âm tính của tIgE ở các giá trị cắt 77,7 kU/L và 100 kU/L đối với một số bệnh dị ứng (Tu YL, 2013 [10]).
Như vậy, nồng độ tIgE ở giá trị cắt 77,7 kU/L cho độ nhạy và độ đặc hiệu tốt nhất (49,0%-78,3%) để chẩn đoán bệnh dị ứng, và có giá trị dự đoán âm tính cao (84,2%-97,9%).
2) Nhiễm ký sinh trùng: tIgE có thể tăng trong nhiễm giun và các ký sinh trùng khác. Khi không có nguy cơ dị ứng, nhiễm ký sinh trùng là nguyên nhân hay xảy ra nhất của sự tăng tIgE.
3) Sự chiếm ưu thế của các tế bào T giúp đỡ Th2 (T-helper cells 2): các tế bào miễn dịch Th2 tạo ra IL-4 là các tín hiệu chính để các tế bào B sản xuất IgE, do đó, những người có Th2 chiếm ưu thế thường có nồng độ tIgE cao.
4) Chủng tộc và vùng địa lý: những người nguồn gốc châu Phi và những người sống ở vùng nhiệt đới thường có nồng độ tIgE huyết thanh cao hơn những người ở vùng khác.
5) Một số bệnh hiếm:
- Hội chứng tăng tIgE (hyper IgE syndrome: HIES): HIES là rối loạn hiếm gặp có sự tăng tIgE máu, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da và đường hô hấp.
- Hội chứng Job (Job’s syndrome): là một hội chứng tăng tIgE phổ biến nhất, có thể gây ra một loạt các bất thường về xương và mô liên kết, nồng độ tIgE huyết thanh có thể đạt tới 2.000 kU/L, nhưng có thể trở về bình thường hoặc giảm ở tuổi trưởng thành.
- Đau tủy xương tăng IgE (IgE multiple myeloma): đa u tủy xương có khả năng tấn công các tương bào và làm tăng sản xuất IgE.
6) Di truyền: theo một nghiên cứu trên 877 bệnh nhân hen ở Hàn Quốc, các đa hình đơn nucleotide (single nucleotide polymorphisms: SNPs) ở một số gen có thể liên quan đến sự tăng nồng độ tIgE như CRIM1 (rs848512), ZNF71 (rs10404342), TLN1 (rs4879926) và SYNPO2 (rs1472066) (Kim JH, 2013 [5]).
7) Các tình trạng khác: các điều kiện hoặc lối sống khác nhau có thể làm tăng tIgE, gồm: hút thuốc lá, uống rượu, viêm ruột, nhiễm khuẩn, virus, u lympho (ung thư hệ bạch huyết), hội chứng thận hư, ...
Như vậy, vì nhiều tình trạng khác nhau có thể làm tăng nồng độ tIgE nên tIgE không phù hợp để chẩn đoán một bệnh dị ứng cụ thể nào đó.
5.2. Nồng độ tIgE huyết thanh giảm
Sự thiếu hụt IgE rất khó xác định vì nồng độ IgE bình thường rất thấp. Sự thiếu hụt miễn dịch là tình trạng nồng độ tIgE <2 U/mL ở trẻ em và <4 U/mL ở người lớn, có thể gây ra các triệu chứng như đau khớp, mệt mỏi, ho và khó thở. Nồng độ tIgE huyết thanh có thể giảm trong một số bệnh lý sau:
Nếu nồng độ tIgE và nồng độ của các kháng thể khác (IgG, IgM, IgA) cũng thấp thì đó là sự suy giảm miễn dịch biến đổi hay gặp (common variable immunodeficiency: CVID) và là nguyên nhân suy giảm miễn dịch phổ biến nhất. Những người bị CVID thường bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các nhiễm trùng khác, có thể dẫn đến tổn thương mô.
Sự thiếu hụt IgE và suy giảm miễn dịch cũng có thể xảy ra do thuốc, rối loạn chức năng thận và ruột, ung thư (Zhang H, 2016 [12]), bỏng nặng chứng thất điều giãn mạch (ataxia-telangiectasia); trong các bệnh này, tIgE thấp nhưng vẫn >2 kU/L (Lawrence MG, 2018 [6]).
Khác với nồng độ tIgE huyết thanh cao, nồng độ tIgE huyết thanh thấp kết hợp với bệnh sử và triệu chứng lâm sàng có thể giúp xác nhận loại suy giảm miễn dịch mà không cần xét nghiệm bổ sung.
Những người suy giảm miễn dịch có nồng độ tIgE huyết thanh cực thấp có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn, bệnh viêm và ung thư cao. Người ta thấy rằng, những người bị thiếu hụt tIgE có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn: tăng huyết áp gấp 2 lần, bệnh tim gấp 3 lần, đột quỵ gấp 6 lần. Trong một nghiên cứu trên hơn 3.000 người, sự thiếu hụt tIgE có liên quan đến tỷ lệ nhiễm H. pylori cao hơn 43%, viêm dạ dày cao hơn 28% và loét dạ dày cao hơn 47%. Nồng độ tIgE huyết thanh thấp có sự tương quan với đục thủy tinh thể ở người cao tuổi, những người có nồng độ tIgE thấp ≤35 kU/L có tỷ lệ đục thủy tinh thể tăng trên 67%.
5.3. Giá trị của tIgE và tỷ số sIgE/tIgE trong đánh giá hiệu quả điều trị miễn dịch dị nguyên
Trong một nghiên cứu trên 81 bệnh nhi, tuổi từ 6 đến 10, bị hen và dị ứng, được điều trị miễn dịch dị nguyên (allergen immunotherapy: AIT), Sun W và cộng sự, 2018 [8] thấy rằng, ở những bệnh nhân đáp ứng điều trị, tIgE giảm rất rõ rệt, sIgE giảm rõ rệt, tỷ lệ sIgE/tIgE tăng rất rõ rệt và số bạch cầu ái toan giảm có ý nghĩa (Bảng 3).
Bảng 3. Sự thay đổi nồng độ tIgE, sIgE, tỷ lệ sIgE/tIgE và số bạch cầu ái toan trong đáp ứng lâm sàng với điều trị miễn dịch dị nguyên (Sun W, 2018 [8]).
Độ nhạy và độ đặc hiệu của điều trị miễn dịch dị nguyên (AIT) ở trẻ bị hen suyễn thu được từ đường cong ROC (receiver operating curve) như sau: nồng độ tIgE huyết thanh ở giá trị cắt 610 kU/L có độ nhạy 75,9% và độ đặc hiệu 74,0%; tỷ lệ sIgE/tIgE huyết thanh ở giá trị cắt cắt 15,0% có độ nhạy 56,9% và độ đặc hiệu 91,3%; nồng độ sIgE huyết thanh ở giá trị cắt 76,7 kUA/L có độ nhạy 67,2% và độ đặc hiệu 69,6%, và số lượng bạch cầu ái toan trong máu ở giá trị cắt 0,49×109/L có độ nhạy 69,0% và độ đặc hiệu 60,9% (Hình 3).
Hình 3. Độ nhạy và độ đặc hiệu thu được từ các đường cong ROC đối với các nồng độ tIgE, sIgE, tỷ lệ sIgE/ tIgE , số lượng bạch cầu ái toan trong máu (Sun W, 2018 [8])
Kết quả trên cho thấy có thể sử dụng nồng độ tIgE và tỷ lệ sIgE/tIgE huyết thanh để đánh giá hiệu quả của điều trị miễn dịch dị nguyên.
6. Một số câu hỏi và trả lời
1) Mức độ các triệu chứng dị ứng có tương quan với nồng độ tIgE huyết thanh không?
- Mức độ các triệu chứng dị ứng có thể không tương quan với nồng độ tIgE huyết thanh.
2) Sự khác nhau về vai trò của xét nghiệm tIgE và sIgE huyết thanh là gì?
- IgE toàn phần có thể đóng một vai trò quan trọng trong sàng lọc bệnh dị ứng trong khi sIgE có thể được sử dụng để chẩn đoán dị ứng gây nên bởi một hoặc một số dị nguyên cụ thể.
3) Bệnh dị ứng có thể gây tử vong không?
- Có thể. Hầu hết các phản ứng dị ứng thường không nghiêm trọng, nhưng sốc phản vệ (anaphylaxis), một phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, có thể gây huyết áp giảm mạnh, ngừng thở, hoặc tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ sốc phản vệ vô cùng thấp, chỉ chiểm từ 0,1-1% dân số và cũng chỉ có <1% số sốc phản vệ tử vong.
4) Bệnh dị ứng được điều trị như thế nào?
- Bệnh dị ứng thường được được điều trị bằng các thuốc kháng histamine. Gần đây, các bệnh dị ứng trung gian bởi IgE (IgE-mediated allergic diseases) có thể điều trị bằng liệu pháp chống IgE (anti-IgE therapy) một cách có hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới (Hu J, 2018 [4]).
5) Bệnh dị ứng có thể được chữa khỏi không?
- Không, việc điều trị không chữa khỏi được dị ứng, nhưng có thể làm giảm đáng kể sự nhạy cảm của bệnh nhân với các tác nhân gây dị ứng và làm giảm phản ứng dị ứng.
Tóm lại, IgE toàn phần có thể đóng một vai trò quan trọng trong sàng lọc bệnh dị ứng trong khi sIgE có thể được sử dụng làm bằng chứng quan trọng để chẩn đoán dị ứng. Mức độ thấp hơn của tIgE và tỷ lệ sIgE/tIgE cao hơn có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của trị liệu miễn dịch dị nguyên ở bệnh nhân dị ứng. Sự kết hợp giữa bệnh sử, triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm của tIgE, sIgE và tỷ lệ sIgE/tIgE có thể giúp người thầy thuốc sàng lọc, chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh dị ứng một cách chính xác nhất (Chang ML, 2015 [3]).
Tài liệu tham khảo
1. Aryal S. Immunoglobulin E (IgE) - Structure and Functions. Online Microbiology Notes 2020 Jan 9.
2. Aung T. Immunoglobulin E tests. DermNet NZ, Australia 2019 Feb.
3. Chang ML, Cui C, Liu YH, et al. Analysis of total immunoglobulin E and specific immunoglobulin E of 3,721 patients with allergic disease. Biomed Rep 2015 Jun; 3(4): 573-577.
4. Hu J, Chen J, Ye L, Cai Z, and Ji K. Anti-IgE therapy for IgE-mediated allergic diseases: from neutralizing IgE antibodies to eliminating IgE+ B cells. Clin Translat Allergy 2018; 27.
5. Kim JH, Cheong HS, Park JS. A Genome-Wide Association Study of Total Serum and Mite-Specific IgEs in Asthma Patients. PloS One 2013; 8(8): e71958.
6. Lawrence MG, Palacios-kibler TV, Workman LJ, et al. Low Serum IgE Is a Sensitive and Specific Marker for Common Variable Immunodeficiency (CVID). J Clin Immunol 2018 Apr; 38(3): 225-233.
7. Martins TB, Bandhauer ME, Bunker AM, et al: New childhood and adult reference intervals for total IgE. J Allergy Clin Immunol 2014; 133: 589-591.
8. Sun W, Pan L, Yu Q, et al. The skin prick test response after allergen immunotherapy in different levels of tIgE children with mite sensitive Asthma/Rhinitis in South China. Human Vaccines & Immunotherapeutics 2018 Aug 17; 14(10): 2510-2515.
9. Sutton BJ, Davies AM, Bax HJ, et al. IgE Antibodies: From Structure to Function and Clinical Translation. Antibodies (Basel) 2019 Mar; 8(1): 19.
10. Tu YL, Chang SW, Tsai HJ, et al. Total Serum IgE in a Population-Based Study of Asian Children in Taiwan: Reference Value and Significance in the Diagnosis of Allergy. PloS One 2013; 8(11): e80996.
11. Yazdi P. Immunoglobulin E (IgE) Antibody Test + High & Low Levels. SelfHacked 2020 Jan 3.
12. Zhang H, Guo G, Jianzhong C, ang Zheng Y. Decreased Level of IgE is Associated with Breast Cancer and Allergic Diseases. Med Sci Monit 2016; 22: 587-597.
Mách bạn:
Oncocess Rx là công thức phối hợp đặc biệt giữa công nghệ probiotic được cấp bằng sáng chế về các tế bào GanedenBC30 bất hoạt đem lại lợi ích miễn dịch to lớn và cực kỳ hữu ích.
● Tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể.
● Hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, viêm mụn trứng cá bọc, nấm da, chàm- Eczema, bỏng, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, vẩy nến, khô da ...
● Phòng và hỗ trợ đẩy lùi ung thư
● Hỗ trợ giảm mỡ máu, đường huyết
● Hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện nhanh rối loạn tiêu hóa
● Xử trí nhiễm trùng da do bỏng.
Dùng hiệu quả cho người sức đề kháng kém, viêm da, người đã và đang trong quá trình hóa trị, xạ trị, nhiễm khuẩn, virus.
Với thành phần dược liệu nguồn gốc tự nhiên lành tính, sản phẩm Oncocess Rx được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như độ an toàn đối với người sử dụng.
Chi tiết xem thêm sản phẩm tại: >>> Oncocess Rx - Tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng